BÀI DỰ THI TÌM HIỂU VỀ DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

BÀI THI VIẾT TÌM HIỂU DI CHÚC, CUỘC ĐỜI, SỰ NGHIỆP VÀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

BsCKI. Tô Hoàng Vĩnh

Trưởng trạm Y tế xã Rạch Chèo

 

  1. GIỚI THIỆU VỀ BẢN THÂN VÀ CHỦ ĐỀ BÀI THI

          Giới thiệu chủ đề bài thi: Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về ngành Y tế

Không có nghề nào lại đi vào đời sống con người một cách sâu sắc và cấp thiết như nghề y, nó đi liền với sự xuất hiện con người và chắc chắn sẽ tồn tại cho đến khi không còn sự sống của loài người trên trái đất này. Cũng không có nghề nào như nghề y mà một lỗi lầm hay một thiếu sót dù nhỏ lại có thể gây nên những tác hại lớn đến sức khỏe và thậm chí đến tính mạng của con người, mà người người mắc lỗi có khi không còn cơ hội sửa chữa, khắc phục được nữa. Đã từ lâu, người ta đã coi nghề y là một nghề quan trọng, đặc biệt, một nghề nhân đạo có quan hệ đến đời sống và tính mạng con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, tương lai nòi giống, đến sức khỏe và sự cường thịnh của một dân tộc, của toàn xã hội.

Chính vì vị trí đặc biệt của ngành Y, mà hàng ngàn năm trước Công nguyên, lúc xã hội còn phụ thuộc vào thần quyền, tôn giáo, cả dưới các chế độ nô lệ, phong kiến và tư bản, loài người từ Đông sang Tây đã nêu cao vấn đề y đức. Những lời thơ dân gian, những đạo luật, những điều thuyết giảng trong tôn giáo, những phần thưởng và hình phạt, những điều răn trong triết học và những lời thề của thầy thuốc, những lời dạy của các bậc danh y, những tiêu chuẩn, quy chế và luật pháp về y đức trong hành nghề y, dược… đã được sử dụng trong các thời đại khác nhau để giáo dục và bảo đảm giữ gìn đạo đức người thầy thuốc.

Nghề Y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, những người thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức mới thực hiện được lời dạy của Bác.“Nghề Y là nghề của sự hy sinh, cam chịu; là nghề luôn nguy hiểm luôn cận kề; là nghề của sự hy sinh thầm lặng....và nghề y còn được coi là nghề đặc biệt”. “Nghề y là một nghề vất vả; phải học suốt đời; có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao; rất nhạy cảm với công việc; và có thu nhập ở mức thấp ở đại đa số các thầy thuốc”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đạo đức, theo Người đạo đức là gốc và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức là nội dung quan trọng trong tư tưởng và đạo đức của Người. Trong 20 năm, từ 1947 đến 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tới 25 bức thư gửi ngành y, thương binh - xã hội. Ngoài những lời khuyên về công tác chăm sóc, cứu chữa cho người bị bệnh, người bị thương, Người đặc biệt quan tâm đến y đức, cái đạo đức cần phải có của người thầy thuốc cách mạng, vì dân.

Danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y và không nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”, có thể nói y đức đối với người làm nghề y là những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người nói chung và người làm nghề y nói riêng. Đó cũng là quy tắc, là chuẩn mực của ngành y, là kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp, để thầy thuốc tự giác điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích, tiến bộ ngành y để đem lại sức khỏe và sự an lành cho con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn nhiều nhất về đạo đức. Nếu như mọi người đều có thể tìm thấy trong di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh những quan điểm, tư tưởng đạo đức phù hợp với mình thì cán bộ, nhân viên ngành y, nhận rõ điều đó nhất. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành Y được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cán bộ, nhân viên ngành Y danh hiệu cao quý và đẹp đẽ nhất: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây chính là yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của các bộ và nhân viên ngành y đối với người bệnh.

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và những điều dặn dò trong Di chúc Bác để lại cho con cháu trước lúc đi xa cho thấy tư tưởng của Người thấm đượm tính nhân văn, bác ái, cao cả và bao dung. Quan điểm về y đức của Bác Hồ bắt nguồn từ truyền thống nhân ái “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, đó cũng là tư tưởng nhân văn cao cả và đạo đức cách mạng, biểu hiện trước hết ở tình thương yêu con người sâu sắc mà Người đã khái quát thành một triết lý sống đối với đạo đức nói chung và đạo đức ngành Y tế nói riêng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức đã được ngành y tế nước ta từng thời điểm cụ thể hóa, và trở thành nền tảng đạo lý của mọi thầy thuốc, là cốt lõi tư tưởng của mọi hoạt động xây dựng và phát triển ngành y tế. Tư tưởng “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên và khẳng định nhiều lần ngay trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đó đến nay, ngành Y tế xã nhà, những người chiến sĩ áo trắng đã nhất quán trong việc học tập, vận dụng lời căn dặn của Người. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đang soi đường và chắp cánh cho đội ngũ cán bộ y tế vượt qua mọi khó khăn và thử thách, góp phần đưa nước ta tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

 

  1. NỘI DUNG CHỦ ĐỀ VÀ LIÊN HỆ THỰC TẾ CƠ QUAN ĐƠN VỊ
  2. Nội dung chủ đề

Năm 2019 là năm toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiên liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019). Di chúc của Người là văn kiện lịch sử vô giá, mang ý nghĩa thời sự thời và có ý nghĩa thời đại sâu sắc, có giá trị vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, bằng đường lối tư duy sáng tạo, đổi mới, ý chí tự lực tự cường và truyền thống đoàn kết của quê hương, toàn Đảng và toàn dân ta đã vượt qua khó khăn, thách thức đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có ngành tế.

Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta, đã sinh ra Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Điều đó đã trở thành chân lý làm rung động con tim mỗi người Việt Nam khi nhắc đến tên Người. Bác là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc; Người đã hiến dâng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho dân tộc và nhân loại. Cả cuộc đời Người hành động để cứu dân, cứu nước, cho nước nhà được độc lập, đồng bào ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, mọi người tiến bộ, sống nhân ái, hạnh phúc đó là lẽ sống của Người.  

Tấm gương đạo đức Hồ Chí minh là một tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người cộng sản vĩ đại, nhưng đó đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường, ai cũng có thể học theo, để làm một người cách mạng, một người công dân tốt hơn.

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Cần kiệm, giản dị, ít lòng ham muốn về vật chất, đó là "tư cách của người cách mạng". Người đề ra và tự mình gương mẫu thực hiện. Cũng như V.I.Lê-nin, Người coi khinh mọi sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức trang trọng. Một cốt cách giản dị, một sự giản dị vĩ đại. Đó là một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần kiệm, liêm chính.

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực. Bác Hồ là "muôn vàn tình thân yêu" đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu thương đó, có chỗ cho mọi người, không quên, không bỏ sót một ai.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây cũ (20/4/1963,) Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y phải như từ mẫu”.( Ảnh tư liệu).

 

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cho các ngành, các cấp. Riêng đối với ngành y, Người đã có những quan điểm cụ thể về đạo đức của người thầy thuốc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức được thể hiện thông qua những bài nói, bài viết và thư gửi các hội nghị y tế toàn quốc, nổi bật ở một số nội dung cơ bản:

Theo Hồ Chí Minh, Ngành y tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam phải chú trọng kết hợp Đông, Tây y và hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh. Ngay từ những năm đầu sau khi nước ta giành được độc lập, trong Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3-1948, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Khi gặp “một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Người ta có câu “Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”(1). Nhiệm vụ của ngành y tế và phẩm chất của người thầy thuốc được Hồ Chí Minh viết trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6-1953. Người cho rằng: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lương y phải kiêm từ mẫu”(2). Hồ Chí Minh  yêu cầu đối với đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác”(3).

Tại Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27-2-1955, Hồ Chí Minh đã gửi thư “góp vài ý kiến” để các đại biểu thảo luận. Bức thư này thể hiện một cách khá toàn diện và hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế. Vấn đề y đức, một lần nữa, tiếp tục được Người nhấn mạnh, cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh, bởi, “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú (cán bộ y tế - người trích). Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. “Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”(4). Điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Hồ Chí Minh là người thầy thuốc phải như một mẹ hiền. Nghĩa là các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có lương tâm với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc. Theo Hồ Chí Minh, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài, trong nghề y, lòng nhân ái, yêu thương bệnh nhân là cơ sở, là động lực thôi thúc người thầy thuốc tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Khi trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của người thầy thuốc vững vàng, tác động trở lại y đức của người thầy thuốc. Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền y tế có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người căn dặn đội ngũ cán bộ y tế phải giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của dân tộc ta. Người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Ở đây yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất. Hồ Chí Minh nhắc nhở: Ông cha ta, ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc, vì thế, các cô, các chú là những người làm thuốc chữa bệnh cần phải nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây. Cho nên, các thầy thuốc tây y phải học đông y, các thầy thuốc đông y cũng phải học tây y, cả thầy thuốc đông y và tây y đều phục vụ nhân dân, như người có hai tay cùng làm việc thì tốt. Người thầy thuốc phải coi trọng việc phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh. Để chống lại bệnh tật, đau yếu, cán bộ y tế phải đặc biệt quan tâm từ những vấn đề nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, hố xí, vệ sinh diệt ruồi, diệt muỗi… Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ, nhân viên y tế cùng với các cơ quan, đoàn thể, ban ngành phải tích cực quan tâm xây dựng đời sống mới cho nhân dân, nâng cao thể lực cho nhân dân và đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe. Và chính Người là một tấm gương sáng mẫu mực của ý chí rèn luyện nâng cao thể lực cho toàn dân học tập, làm theo.

Ngành y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải "thật thà đoàn kết". Quan hệ giữa những người thầy thuốc là một trong những mối quan hệ cơ bản của hoạt động có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Mỗi người thầy thuốc phải học và biết cách phối hợp trí tuệ, tài năng và hành động một cách kịp thời, chính xác để cứu chữa người bệnh sao cho được hiệu quả cao nhất. Tại thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, tháng 2-1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân"(5). Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Theo Hồ Chí Minh y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn quân và toàn dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.

 ( (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, NXB CTQG, Hà Nội, 2004, tr.395. (2) Hồ Chí Minh, Sđd, t.7, tr.88. (3 ) Sđd, tập 7, tr. 88. (4), (5) Sđd, tập 7, tr.476. Nguồn tạp trí xây dựng Đảng).

Sức lôi cuốn diệu kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trái tim nhân hậu, khối óc thiên tài, tác phong giản dị, chân thành, gần gũi đã có sức lôi cuốn và cảm hóa hầu hết những người đã từng sống, tiếp xúc, làm việc với Người. Đối với nền y học nước nhà, Bác đã có những đóng góp rất to lớn khi lôi cuốn, thu hút được rất nhiều trí thức nghề y ở cả trong và ngoài nước phục vụ cách mạng, tham gia kháng chiến cứu quốc một cách tự nguyện, tận tâm, tận lực với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công của cách mạng nước nhà.

    Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành Y. (Ảnh Internet).

Trong số những trí thức nghề y quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác phải kể đến Giáo sư, Bác sĩ Trần Hữu Tước , người sáng lập và xây dựng ngành Tai - Mũi - Họng Việt Nam, một trong những vị giáo sư đầu ngành của nền y học Việt Nam hiện đại. Năm 1946, khi Hồ Chủ tịch dẫn đầu Phái đoàn hữu nghị đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đi thăm nước Pháp, Giáo sư Trần Hữu Tước được Hội Việt kiều cử làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Hồ Chủ tịch và đoàn  ngoại giao Việt Nam. Ông có cơ hội gần Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng nên được học hỏi nhiều điều. Ông hiểu cách mạng đã thành công nhưng đất nước và đồng bào cũng còn nhiều việc phải làm. Ông  nghĩ rằng “Phải về phục vụ trong khi nước nhà còn nhiều khó khăn mới đúng”. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, cùng với một số trí thức Việt kiều nổi tiếng khác như Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân...v.v. Giáo sư Trần Hữu Tước đã tình nguyện từ bỏ cuộc sống hơn 13 năm đang ổn định và sinh hoạt sung túc ở Pháp, trở về phục vụ Tổ quốc. Từ đó cuộc đời người thầy thuốc nổi tiếng ấy gắn liền với đất nước, quê hương.

Trở về nước sau bao năm xa cách, Giáo sư Trần Hữu Tước đã có điều kiện dốc toàn bộ sức lực góp phần xây dựng một ngành Tai - Mũi - Họng Việt Nam hoàn chỉnh, có nhiều chuyên khoa sâu, có những đóng góp to lớn cho nền y học và y tế nước nhà, có tiếng vang trên trường quốc tế. Với những công trình và cống hiến xuất sắc của ông trong ngành y tế, Giáo sư Trần Hữu Tước được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (1966), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1983), truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kĩ thuật đợt I (1996), được tặng Kỷ niệm chương của Trung đoàn Thủ Đô.

Trong những dòng hồi kí của mình, Giáo sư Trần Hữu Tước đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người vĩ đại, có ý nghĩa đặc biệt đối với tình cảm và cuộc đời ông, một con người mà Giáo sư vô cùng yêu quý, khâm phục và một lòng một dạ tin tưởng đi theo Người, cho đến trọn cuộc đời mình, vì nhân cách cao cả cùng sự uyên thâm của Người. Đối với Giáo sư Trần Hữu Tước, Hồ Chủ tịch là hiện thân đầy đủ của sự kiên trì lí tưởng giải phóng và cách mạng cho dân tộc Việt Nam.

Cũng như Giáo sư Trần Hữu Tước, đáp lại tình yêu thương vĩ đại Bác dành cho, Giáo sư Hồ Đắc Di, một Bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập đã cố gắng sống và làm việc, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Giáo sư là người hiểu thấu tư tưởng và thấm nhuần đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện ở chính cuộc đời ông: Giáo sư là một trí thức, có địa vị cao trong xã hội, song cuộc sống hàng ngày rất giản dị, cởi mở, nhân hậu vị tha, trọng đạo lý hơn lợi lộc, hưởng thụ. Giáo sư đã được Nhà nước tặng thưởng 8 huân chương cao quý, năm 1996 được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật. Ông từng nói: “Càng sống lâu, càng suy ngẫm, càng hiểu sâu biết rộng, càng nhìn thấu kim cổ Đông Tây, ta càng thấy rõ Bác Hồ của chúng ta quả là bậc vĩ nhân của các vĩ nhân. Theo tôi, Người là một Einstein về mặt đạo đức. Lời nói nào của chúng ta có sâu xa đẹp đẽ đến đâu chăng nữa, cũng không thể nào nói lên đầy đủ tầm vóc của Người. Có lẽ chính lịch sử mới đủ sức nói lên tầm vóc đó. Điều kỳ diệu của Bác Hồ là Người là bậc thánh nhân xuất chúng nhưng lại không xa rời nhân dân đại chúng, là nhân vật thần thoại truyền kỳ nhưng lại gần gũi biết bao đối với những con người bình thường, nhỏ bé và bất hạnh. Người có ảnh hưởng sâu xa đến tâm tư, tình cảm của mỗi chúng ta, trẻ cũng như già”.

Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng, vị Bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Bác, “dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ”, tâm hồn ông đã đi theo cách mạng. Trong suốt cuộc đời mình, Giáo sư đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt, tin cậy với niềm tin yêu đặc biệt và tình cảm gần gũi. Không phụ lòng tin yêu của Bác, Giáo sư đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp với mong muốn đưa nền y học Việt Nam sánh ngang với các nước trên thế giới. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã để lại cho nền y học nước nhà 123 công trình khoa học, đặc biệt Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên xây dựng phương pháp mổ gan mang tên ông: “Phương pháp Tôn Thất Tùng” (hay “phương pháp mổ gan khô”). Giáo sư từng viết: “Bác ơi, công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”. Ông nói: "Nếu quả tôi đóng góp chút gì về khoa học, chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ. Tôi hiểu rằng sự nghiệp khoa học bao giờ cũng là sự nghiệp tập thể. Người làm công tác khoa học phải học cách phối hợp, phối hợp rất tài tình các binh chủng khác nhau như Bác Hồ đã tập hợp trí dũng của dân ta, đưa dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".

Đây chỉ là ba trong số rất nhiều những trí thức ngành y đã được trí tuệ minh mẫn, trái tim bao la của Bác kính yêu lôi cuốn, cảm hóa và chỉ đường dẫn lối để cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nước nhà. Bác luôn dành một sự trân trọng thật sự dành cho các trí thức. Đã giao việc là giao quyền. Đã giao quyền là hoàn toàn tin tưởng. Trong sử dụng trí thức, Người không bao giờ áp đặt, không bao giờ tỏ ý lên mặt dạy đời. Bác là người uyên bác, có thể còn ở trên tầm tư duy của bản thân trí thức, nhưng có lẽ chính vì vậy nên bao giờ cũng giản dị, khiêm tốn. Đó cũng là một phong cách rất trí thức, được trí thức ghi tạc, truyền tụng. Do đó, Hồ Chí Minh có một sức hút phi thường đối với các tầng lớp nhân dân, kể cả những trí thức kiêu sang nhất, khó tính nhất. Hầu hết các trí thức Việt Nam đều suy nghĩ: Nếu không phải Hồ Chí Minh thì có lẽ khó có ai tập hợp được bấy nhiêu nhân tài của đất nước. Quả đúng như vậy. Bằng tất cả niềm tin yêu tuyệt đối dành cho Đảng, cho Bác Hồ kính yêu, rất nhiều các trí thức Việt Nam trong đó có trí thức ngành y đã bỏ lại vinh hoa phú quý, cuộc sống ổn định, cơ hội công danh xán lạn để theo kháng chiến, theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

(Nguồn http://bqllang.gov.vn).

Có thể nói, tư tưởng y đức “Lương y phải như từ mẫu” lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm và khẩu hiệu của ngành y tế, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y học nước ta, là một đòi hỏi khách quan trong việc thực hành y nghiệp. Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng: “Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh”, ngày 06/11/1996, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 2088/BYT-QĐ quy định về y đức tức là tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Nội dung quy định gồm có 12 điều. Những nội dung trọng tâm của 12 điều y đức là những quy định về tinh thần trách nhiệm, thái độ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, thái độ niềm nở, tận tình, khẩn trương tổ chức khám chữa, tôn trọng bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo. Trong điều trị phải tận tình, chu đáo, luôn luôn có mặt ở vị trí công tác, theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời các tình huống, phải thực hiện được điều như Cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã nói: “Đến, niềm nở tiếp đón. Ở, tận tình chăm sóc. Đi, ân cần dặn dò”. Nội dung 12 điều y đức gồm:

  1. Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải cólương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. 
  2. Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.
  3. Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
  4. Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.
  5. Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.
  6. Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh. 
  7. Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.
  8. Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chǎm sóc và giữ gìn sức khỏe. 
  9. Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.
  10. Thật thà, đoàn kết tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
  11. Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước. 
  12. Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.

Thực hiện lời dạy của Bác, trên mỗi bước đi lên của đất nước, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và thực hiện đúng với tôn chỉ mục đích nghề nghiệp, luôn đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, gian khổ trong chiến đấu, cũng như trong xây dựng cuộc sống mới, giữ gìn y đức, nâng cao tay nghề, kinh nghiệm với mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trần Hữu Tước, Đỗ Tất Lợi, Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung, Đặng Thùy Trâm... đã để lại tấm gương sáng ngời về y đức, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp y học và y tế của nước nhà.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân ta giành được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang lại nhiều thời cơ rất tích cực cho đất nước ta trong đó ngành y có nhiều điều kiện phát triển, đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến to lớn, nhưng những thách thức và tác động tiêu cực cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó là những ảnh hưởng đến vấn đề giữ gìn y đức của người làm công tác y tế.

Ngày nay, trong xu thế phát triển và hội nhập, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời dặn trong Di chúc của Bác về công tác y tế và sức khoẻ càng trở thành kim chỉ nam giúp Đảng ta xây dựng và hoàn thiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam tiên tiến và hiện đại. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức vẫn còn sống mãi và là bài học quý báu, là ngọn đèn soi đường, chỉ lối cho những người làm công tác y tế, để góp phần hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

  1. Liên quan thực tế cơ quan, đơn vị

Trạm Y tế xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân. ( Ảnh Trạm y tế xã Rạch Chèo).

 

  • . Sơ lược về cơ quan, đơn vị

Trên cơ sở học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên Chi bộ Trạm y tế xã Rạch Chèo trong thời gian qua luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng ra sức học tập và trau dồi y đức nghề nghiệp, tận tụy với công việc, phục vụ nhân dân.

Trạm Y tế xã Rạch Chèo trực thuộc Trung tâm y tế huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau; được thành lập và đi vào hoạt động ngày 08/8/2006 theo Quyết định số: 130/QĐ-UBND của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau; xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2009 và duy trì đạt chuẩn đến ngày hôm nay; Trạm Y tế có 07 biên chế (01 BSCKI, 03 Y sỹ, 01 CNHS, 01 NHSTH và 01 DS) và 09 nhân viên Y tế cộng đồng và 5 cộng tác viên dân số. Trạm y tế có trụ sở an khang, sạch đẹp, thoáng mát với 10 giường bệnh và 13 phòng chức năng; các trang thiết bị, máy móc, cơ số thuốc cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân trong và ngoài địa bàn...

Trạm Y tế có chức năng: Truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình; sơ cấp cứu ban đầu và chăm sóc các bệnh thông thường; vệ sinh phòng chống dịch bệnh; an toàn về sinh thực phẩm; tiêm chủng mở rộng; thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia y tế; vận động, hướng dẫn nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam tại các hộ gia đình để chữa các bệnh thông thường; tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn do cơ quan y tế cấp trên tổ chức; quản lý chỉ đạo các tổ y tế ấp thực hiện công tác chuyên môn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt là xây dựng và giữ vững Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011"2020.

  • Những mặt đạt được

Thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong những năm qua, tập thể cán bộ, đảng viên Chi bộ Trạm y tế xã Rạch Chèo đã có những chuyển biến tích cực; từng tập thể và cá nhân luôn đoàn kết và nỗ lực không ngừng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, của Ngành và của Chi bộ đề ra. Đặc biệt là công tác đạt chuẩn và giử chuẩn Quốc gia về Y tế; mà nổi bật là công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân...Từ những kết quả đó năm 2016 Trạm y tế xã Rạch Chèo vinh dự được Bộ Y tế tặng Bằng khen cho tập thể, vì có nhiều thành tích xuất sắc trong tổ chức, thực hiện xã đạt chuẩn và giử vững chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2015.

 Đối với cán bộ và nhân viên y tế làm công tác vệ sinh phòng chống dịch Trạm y tế: Luôn khắc phục khó khăn, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình;vừa làm đầy đủ và có hiệu quả công tác chuyên môn, kỹ thuật; vừa làm tốt công tác vận động quần chúng; phối hợp với các ban ngành đoàn thể và các ấp, áp dụng các biện pháp vệ sinh, để ngăn ngừa dịch bệnh; theo dõi, phát hiện sớm và dập tắt dịch bệnh kịp thời, mà nổi bật là “ Mô hình nuôi cá 7 màu” trong toàn xã đã thực hiện qua 9 năm đã mang lại hiệu quả rất thiết thiết thực trong công tác phòng bệnh sốt xuất huyết tại địa phương. Từ kết quả đó “Mô hình nuôi cá 7 màu” của xã Rạch Chèo đã được Trung tâm y tế huyện Phú Tân ghi nhận và đánh giá cao; đồng thời đã được triển khai và nhân rộng ra trong toàn huyện; hiện tại trên địa bàn xã Rạch Chèo có trên 70 ao cá 7 màu, đãm bảo đủ lượng cá, cung cấp cho các hộ gia đình để diệt lăng quăng, phòng bệnh sốt xuất huyết. Từ đó nhiều năm liền trên địa bàn xã Rạch Chèo không có dịch bệnh xãy ra.

 

 

Mô hình nuôi cá 7 màu tại Trạm y tế xã Rạch Chèo và các ấp.

( Ảnh Trạm y tế xã Rạch Chèo).

 Đối với cán bộ và nhân viên y tế khám, chữa bệnh tại Trạm y tế: Luôn đảm bảo giờ giấc trực 24/24; công khai danh sách Y, Bs trực và đường dây nóng tại Trạm y tế để tiếp nhận phản ánh kịp thời của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; thành lập bàn hướng dẫn và tư vấn bệnh nhân khi tham gia khám bệnh;  sẳn sàng cấp cứu bệnh nhân trong mọi tình huống; luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; thường xuyên tổ chức họp hội đồng bệnh nhân hoặc thông qua thùng thư góp ý tại Trạm y tế để khắc phục những mặt còn hạn chế trong việc khám chữa bệnh. Mỗi cán bộ trạm y tế luôn trau dồi 12 điều Y đức và Quy tắc ứng xử mà Bộ y tế đã quy định;  phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ Y tế, tận tụy với người bệnh, tích cực ra sức học tập và trao dồi kinh nghiệm của bản thân. Đặc biệt là quán triệt và thực hiện tốt Quyết định 2151 ngày 04/6/2015 của Bộ Y tế về “ đổi mới phong cách, thái độ phục vụ cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.Thực hiện tốt cải cách việc quản lý trong công tác khám, chữa bệnh cùng với phương châmBệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”; “ Lương y phải như từ mẫu” như lời Bác Hồ đã dạy.

 

Các Y, Bác sĩ Trạm y tế Rạch Chèo khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân.

 (Ảnh Trạm y tế xã Rạch Chèo).

Trạm y tế luôn tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân dể dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, kết hợp tốt giữa điều trị đông y và tây y; đặc biệt phục vụ tốt đối với những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, trẻ em, các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, những người có hoàn cảnh khó khăn…Từ đó đã tạo được niềm tin của bệnh nhân đối với thầy thuốc, nên thu hút lượng bệnh trong và ngoài xã đến Trạm y tế khám và điều trị ngày càng đông; trung bình mổi ngày Trạm y tế tiếp nhận từ 60-120 lượt bệnh nhân, góp phần phát hiện bệnh sớm và điều kịp thời, tránh biến chứng và tử vong cho bệnh nhân; đồng thời còn làm giãm chi phí  điều trị cho bệnh nhân và giãm tải cho bệnh viện tuyến trên.

 

Các Y, Bác sĩ Trạm y tế Rạch Chèo siêu âm và đo điện tim cho bệnh nhân.

( Ảnh Trạm y tế xã Rạch Chèo).

Bên cạnh đó Chi bộ Trạm y tế còn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú; đặc biệt là thực tốt Nghị quyết 02 và kết luận 02 của Huyện ủy Phú Tân, về việc phân công các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giúp đở hộ nghèo; Chi bộ Trạm y tế Rạch Chèo nhận giúp đở 02 hộ nghèo Bà Phạm Thị Mẹo ở ấp Rạch Chèo và Bà Nguyễn Thị Hộp ở ấp Lê Năm thuộc xã Rạch Chèo; Hàng tháng Chi bộ Trạm y tế đều đến tận hộ gia đình để giúp đở về vật chất và tinh thần; đồng thời đã vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài xã xây cất, hoàn thành 02 căn nhà cho cho 02 hộ nghèo nêu trên trị giá số tiền trên 90 triệu đồng....Ngoài ra Trạm y tế còn thường xuyên phối hợp với các đoàn Y, Bs trong và ngoài tỉnh tổ chức khám chữa bệnh miễn phí và cấp quà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em và bệnh đục thủy tinh cho người già để giới thiệu lên tuyến trên phẩu thuật miễn phí, kịp thời...

 

          Chi bộ Trạm Y tế xã Rạch Chèo phối hợp với địa phương bàn giao nhà và tặng quà cho 02 hộ nghèo thuộc xã Rạch Chèo. ( Ảnh Trạm y tế xã Rạch Chèo).

Qua 64 năm làm theo lời Bác của dạy, nhiều tấm gương sáng của Trạm y tế Rạch Chèo đã tận tụy, đầy nhiệt huyết, làm việc quên mình, vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sóc sức khỏe nhân dân; điển hình đã có 04/07 cán bộ Trạm y tế đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở và Bằng khen của UBND tỉnh nhiều năm liền. Chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh và 100% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ 10 năm liền. Đặc biệt Trạm y tế Rạch Chèo đã có 01 Bác sỹ vinh dự được Sở Y tế Cà Mau bình chọn là 01 trong 08 cán bộ tiêu biểu, xuất sắc của tỉnh, cùng đoàn Sở Y tế đi viếng lăng Bác nhân kỷ niệm 60 năm Y tế Việt Nam làm theo lời Bác ( 27/02/1955 - 27/02/2015) tại Thủ Đô Hà Nội và nhận Bằng khen của Bộ Y tế, đó là niềm vinh dự và tự hào của ngành y tế huyện nhà. Các thế hệ thầy thuốc, cán bộ và nhân viên ngành y tế đã kế thừa truyền thống “Lương y phải như từ  mẫu”, tận tụy hết mình phục vụ nhân dân như lời Bác Hồ đã dạy.

 

Bs Tô Hoàng Vĩnh Trưởng TYT Rạch Chèo dự lể kỹ niệm  60 năm Y tế Việt Nam làm theo lời Bác, 27/02/2015, tại Thủ Đô Hà Nội ( Ảnh đoàn dự lể SYT Cà Mau).

 

  • Những mặt hạn chế
  • Một vài cán bộ Trạm y tế chưa thật sự tự giác trong học tập và trau dồi đạo đức nghề nghiệp; đôi lúc chưa hòa nhã với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
  • Áp lực công việc nhiều nhưng biên chế Trạm y tế thì có giới hạn.
  • Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế tuyến xã không đồng đều.
  • Kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên Trạm y tế chưa đãm bảo.
  • Chế độ ưu đải và phúc lợi cho cán bộ y tế tuyến xã còn ở mức thấp.
  • Trang thiết bị, máy móc và thuốc men còn giới hạn nhiều ở tuyến xã.

III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO VIỆC THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Từ những kết quả đã đạt được của tập thể và nhân viên Trạm y tế xã Rạch Chèo trong thời gian qua, cán bộ và đảng viên Chi bộ Trạm y tế sẽ tích cực phát huy hơn nữa những mặt đã đạt được, đồng thời nghiêm túc, tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế có tính chủ quan cụ thể như sau:

  1. Đội ngũ cán bộ, đảng viên Trạm y tế hiện nay cần phải không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nắm bắt, học hỏi, ứng dụng những tiến bộ của y học vào hoạt động khám, chữa bệnh; rèn luyện 12 điều y đức, vững vàng bản lĩnh, đấu tranh với những cám dỗ, tiêu cực, khó khăn để giữ gìn hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc, giữ vững bản chất nghề nghiệp, bảo vệ sự trong sáng của y đức. Đó là những việc làm vừa thường xuyên, vừa cấp bách của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tiếp theo; nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh, củng cố và lấy lại niềm tin của nhân dân đối với người thầy thuốc, xứng đáng với truyền thống “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.
  2. Thực hiện tốt lời dạy của Bác: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” và Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
  3. Việc học tập và làm theo gương Bác phải được cán bộ, đảng viên Trạm y tế thực hiện tự giác và thường xuyên, bằng việc hoàn thành tốt những công việc được giao hằng ngày. Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, sửa đổi tác phong làm việc của từng cán bộ, đảng viên Trạm y tế, xây dựng tiêu chí thực hiện việc học tập và làm theo gương Bác, coi kết quả thực hiện là "thước đo" để đánh giá thi đua với từng cá nhân.
  4. Đưa việc học tập, làm theo gương Bác trở nên thiết thực, gắn với công tác chuyên môn của ngành.Trong thời gian tới Trạm y tế sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, mà Bộ Y tế đã phát động, nhằm biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, cũng như xử lý các cá nhân có thái độ, hành vi ứng xử không đúng mực. Mỗi cán bộ, đảng viên Trạm y tế cần tiếp tục học tập tác phong giản dị, khiêm tốn, nói đi đôi với làm theo lời Bác Hồ đã dạy. Nỗ lực này sẽ góp phần hạn chế những bất cập còn tồn tại, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
  5. 5. Để rèn luyện về y đức mỗi cán bộ Y, Bác sĩ, viên chức và người lao động Trạm y tếcần phải có thái độ niềm nở, hoà nhã, quý trọng, lễ độ và thông cảm với người bệnh; cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cho thuốc, làm các thủ thuật một cách kịp thời, chu đáo, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác; tiếp đón, sǎn sóc về ǎn, ở, về vệ sinh trật tự một cách ân cần, chu tất; thực hiện các chức trách, chế độ một cách nghiêm ngặt... Không được có thái độ coi thường, lạnh nhạt, dùng những lời nói xách mé, vô lễ đối với người bệnh và gia đình; không được đùn đẩy, gây phiền hà cho bệnh nhân; không được tuỳ tiện, qua loa, tắc trách... dẫn đến bỏ sót bệnh, nhầm lẫn, sai sót có hại cho sức khoẻ và tính mệnh người bệnh; không được lợi dụng nghề nghiệp, hối lộ, bớt xén thuốc men của người bệnh...
  6. Ngành y tế tuyến trên cần hỗ trợ thêm trang thiết bị máy móc hiện đại và cung ứng thuốc men đa dạng hơn để Trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn; hỗ trợ thêm kinh phí cho đơn vị đủ để hoạt động thường xuyên và có nhiều chính sách ưu đải hơn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở; tuyển thêm biên chế cho các Trạm y tế để đãm bảo thực hiện tốt công việc; đồng thời mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến xã.
  7. Đối với cán bộ y tế cả nước nói chung và cán bộ Trạm y tế xã Rạch Chèo nói riêng, tư tưởng của Bác về y đức vừa là hệ thống lý luận gắn liền với thực tiễn dễ đi vào lòng người, rất dễ nhớ, dễ làm đồng thời còn là những lời dạy bảo thân thương, chân tình mà mỗi người đều thấm nhuần. Vì vậy, trong thời kỳ kinh tế thị trường như hiện nay, mỗi cán bộ y tế cần phải nghiên cứu vận dụng y đức vào từng vị trí công tác của mình để tạo điều kiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đó chính là thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với nghề nghiệp, thực hiện lời dạy bảo đồng thời cũng là mệnh lệnh thiêng liêng xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng tôn kính đối với Bác Hồ, vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Tóm lại

Bác Hồ luôn quan tâm đến tất cả mọi người, mọi tầng lớp nhân nhân trong xã hội, từ cháu bé nhỏ, cha mẹ của các bệnh nhi, đến chị cấp dưỡng…Lòng yêu thương con người vô hạn ấy của Bác đã nhân rộng lên thành rất nhiều ngọn lửa yêu thương trong lòng người dân, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, làm việc tốt hơn để cùng nhau xây dựng đất nước, đặc biệt đối với cán bộ ngành y, Bác đã tạo thêm nguồn động lực to lớn để mọi người vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong xã hội, mỗi một ngành nghề đều có vai trò, vị trí và ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của đất nước, đòi hỏi phải có “Đạo đức nghề nghiệp”, lương tâm, trách nhiệm của người làm nghề. Và nghề y là một nghề đặc thù, cao quý, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của một con người nên đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp mà xã hội gọi là y đức. Theo đúng quan điểm mà sinh thời Bác Hồ kính yêu từng nói đó là “Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Tất cả cùng đoàn kết, chung tay xây dựng một nền y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân.

Học tập ở Bác, với vai trò và trách nhiệm của mình, đặc biệt là một người thầy thuốc, bản thân xin hứa sẽ không ngừng ra sức học tập về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; rèn luyện về y đức; giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong toàn đơn vị; yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau; làm đúng với lương tâm và trách nhiệm của người cán bộ ngành y để hình ảnh “Lương y như từ mẫu” sẽ đẹp  mãi trong mắt của người dân; góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tỉnh nhà.

Trên cơ sở “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tất cả mọi người chúng ta dù ở vị trí nào, công việc gì đi nữa, hãy góp một phần công sức nhỏ bé của mình, để xây dựng nước ta thành một nước “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, như Bác Hồ kính yêu đã từng mơ ước./.

< Trở lại